Trong thời gian ngắn vừa qua, một hiện tượng đột nhiên trở nên nóng sốt khắp các hội nhóm diễn đàn và trở thành đề tài được cả các bà mẹ ông bố có con nhỏ cũng như những người chưa đẻ đái gì đặc biệt quan tâm, đó là cải tiến cách dạy và học tiếng Việt lớp 1 theo chương trình của Trung tâm Công nghệ Giáo dục (CGD), trực thuộc NXB Giáo dục. Nhìn chung thì các vấn đề mà đại chúng quan tâm có thể phân thành 3 yếu tố chính:
Trong khuôn khổ của bài viết này, xin được dùng chút kiến thức hạn hẹp về cả giáo dục học và ngôn ngữ học để phân tích điểm được, và chưa được, của chương trình dạy học thí điểm do GS.TSKH. Hồ Ngọc Đại làm chủ biên.
Tóm tắt vấn đề: Trên mạng đột nhiên xuất hiện một số video được các bậc phụ huynh quay lại trong một buổi giới thiệu chương trình học mới của con em mình. Video được cắt một cách vô thưởng vô phạt đúng phần khó hiểu nhất với lời bình luận đại khái mang hàm ý "Chữ viết mới đây sao, đến mình còn không đọc nổi nữa là các con". Trong video là hai hàng ô vuông trên 6 dưới 8, và được cô giáo đọc hướng dẫn bài "Tháp Mười đẹp nhất bông sen / Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ". Dư luận dậy sóng, nhất loạt thốt lên rằng "Ôi chữ cải tiến khó đọc quá, khó hiểu quá", kèm theo vài tấm ảnh chế hài hước của những kẻ không hiểu chuyện.
Dường như những con người này dường như không có lấy một chút tư duy cá nhân nào, mà hoàn toàn để cho người khác dắt mũi. Chỉ cần suy nghĩ một chút thôi cũng có thể nhận ra được không bao giờ có chuyện cải tiến một hệ thống chữ cái gần 30 ký tự kèm theo 10 chữ số xuống chỉ còn 3 hình cơ bản được. Não ơi, em ở đâu? Còn cái đám a dua đăng bài chế giễu rồi tự biên tự diễn ra cái bảng chữ vuông tròn ấy mà, nói thẳng ra là dốt nát và đú bẩn. Cả cái đám tự nhiên lôi ông Bùi Hiền vào đây nữa, cũng dốt nát và đú bẩn.
Vậy bản chất của phương pháp dạy học này là gì? Trong giáo dục, đây là phương pháp học dựa theo gợi ý hình ảnh (visual cues/aids), theo đó một hình ảnh thực tế dễ hiểu sẽ được sử dụng để hỗ trợ việc học ngôn ngữ của người học. Đây là phương pháp hoàn toàn không mới, và đã được sử dụng vô cùng phổ biến trong giáo dục tiểu học tại các nước trên thế giới. Đơn cử như trong tiếng Anh, việc học thông qua hình ảnh này được áp dụng để trẻ dễ hình dung hơn về số âm tiết trong một từ, số từ trong một câu, trọng âm của từ, ngữ điệu và nhịp điệu của câu, v.v… Hình thức áp dụng có thể rất đa dạng, từ hình vẽ giống như trong sách của CGD, hay sử dụng mảnh ghép Lego, đếm ngón tay.
Trong khuôn khổ cuốn sách, các hình hình học phục vụ mục đích giúp trẻ nhận biết được các câu hình thành từ các tiếng riêng biệt, và đếm được số tiếng trong một câu. Cách học này liên hệ số lượng tiếng với số lượng hình, từ đó biến cái "tiếng" đầy tính trừu tượng thành cái "hình" vật chất mà trẻ nhìn được, hiểu được. Đây là điểm rất quan trọng, vì đối với trẻ ở độ tuổi tiểu học, các khái niệm trừu tượng gần như chưa được phát triển [1], yêu cầu trẻ hiểu và diễn tả một thứ mà trẻ chưa được nhìn thấy bao giờ là rất khó. Hơn nữa, đây chỉ là cái nền để trong các bài học sau trẻ bắt đầu được học cách ghép vần dựa theo việc ghép các ô vuông có chữ lại với nhau.
Ngoài ra, trong độ tuổi mẫu giáo và đầu tiểu học, trẻ phát triển mạnh nhất là tư duy về không gian và ngôn ngữ [2] [3]. Chắc các ông bố bà mẹ có con nhỏ cũng biết là trong giai đoạn này trẻ cực kỳ thích chơi các loại đồ chơi hình học có màu sắc sặc sỡ như xếp gạch, đút gỗ. Việc sử dụng các hình khối và màu sắc tương tự trong việc dạy học giúp kích thích sự hứng thú của trẻ, khiến trẻ tiếp thu bài mới một cách tự nhiên hơn, không bị cảm giác gò bó, ép buộc.
Tại sao lại chỉ sử dụng 3 loại hình vuông, tròn và tam giác? Vì mục đích của việc sử dụng hình trước hết là giúp trẻ xác định được số lượng tiếng, nên thực ra sử dụng duy nhất một loại hình vuông là đủ. Nhưng người biên soạn sử dụng 3 loại hình này là nhằm giúp trẻ tiếp xúc với các nét cơ bản của chữ viết là nét sổ dọc, sổ chéo, ngang, và tròn. Trong phần tập viết, trẻ sẽ được hướng dẫn "viết" các nét này trước để sau này trẻ áp dụng vào việc viết các chữ cái phức tạp hơn. Đưa thêm các hình khác như lục giác, sao, trăng,… vào không có tác dụng gì mà còn khiến trẻ rối thêm. (Để ý trong ảnh dưới, các nét được viết theo đúng thứ tự và hướng viết các nét chữ cái trong tiếng Việt chứ không phải là "vẽ" hình khép kín.)
Ngoài ra các tiếng giống nhau cũng được ký hiệu bằng các hình cùng màu nhau, từ đó trẻ có thể xác định được rằng những chữ giống nhau thì đọc cũng giống nhau:
Tóm lại, phương pháp dạy học này là phương pháp hợp lý, hiện đại và hiệu quả. Có thể đối với các em đã được dạy trước thì hơi đơn giản, nhưng hãy nhớ, sách là để dạy toàn quốc, trong đó có cả trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu vùng xa, hoặc các khu vực nông thôn chưa phát triển, nên phải mặc định là các em đều chưa biết đọc biết viết.
Tóm tắt vấn đề: Ngày xưa đánh vần là cờ, ca, quy, dờ, giờ, ia, iê. Theo như sách CGD, các âm c, k, q đều đánh vần là /cờ/, các âm d, gi đều đánh vần là /dờ/, các âm ia, iê, yê, ya đều đánh vần là /ia/.
Cách đánh vần kiểu mới trong sách CGD là cách đánh vần tối giản và đúng về mặt ngữ âm - âm vị học, nhưng có vài điểm chưa thỏa đáng. Sau đây chúng ta sẽ đi vào phân tích từng nhóm một.
Theo hệ thống âm vị tiếng Việt, cả ba chữ cái này đều được phiên âm là [k] và đọc là "cờ". Ví dụ:
canh | [kaɲ] | |
kem | [kɛm] | |
quân | [kwə̆n] |
Chữ Q+U về mặt ngữ âm hoàn toàn có thể được thay thế bằng chữ C đi cùng một nguyên âm tương đương. Ví dụ:
qua | [kwa] | coa |
quen | [kwɛn] | coen |
quân | [kwə̆n] | cuân |
Như vậy, việc giáo viên hướng dẫn trẻ đánh vần cả ba chữ cái trên là /cờ/ hoàn toàn không có gì sai. Cách đánh vần cũ là /ca/ và /quờ/ (hoặc /cu/) mới là sai về mặt âm vị, vì ca và quờ/cu là tên của chữ cái K và Q chứ không phải là cách đọc của hai chữ này.
Nhiều người chế nhạo cách đánh vần mới, cho rằng nếu đánh vần như vậy thì khi đọc một bài toán hình học sẽ có trường hợp tam giác CKQ đọc là "tam giác cờ cờ cờ". Điều này sẽ không bao giờ xảy ra, vì trong toán học, các ký hiệu chữ cái được đọc theo tên mượn từ tiếng nước ngoài, cụ thể là Xê, Ca, Quy, chứ không phải đọc theo tên tiếng Việt (cờ, ca, quờ/cu) hay theo phiên âm. Sở dĩ có sự nhầm tưởng như thế là vì hồi bé mọi người đã không được dạy phân biệt giữa "âm" và "chữ", dẫn tới việc dùng lộn xộn và không hiểu rõ bản chất của chính ngôn ngữ mẹ đẻ. Cách đánh vần mới giải quyết tận gốc vấn đề này.
Chữ cái | a | ă | â | b | c | d | đ | e | ê | f | g | h | i | j | k | l | m |
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Phát âm tiếng Việt | a | á | ớ | bờ | cờ | dờ | đờ | e | ê | ∅ | gờ | hờ | i | ∅ | cờ | lờ | mờ |
Tên tiếng Việt | a | á | ớ | bờ | cờ | dờ | đờ | e | ê | ∅ | gờ | hờ | i | ∅ | ca | lờ | mờ |
Tên mượn | a | ∅ | ∅ | bê | xê | dê | đê | e | ∅ | ép-phờ | gờ | hát/hắt | i | di | ca | (e-)lờ | (e-)mờ |
Chữ cái | n | o | ô | ơ | p | q | r | s | t | u | ư | v | w | x | y | z | |
Phát âm tiếng Việt | nờ | o | ô | ơ | pờ | cờ | rờ | sờ | tờ | u | ư | vờ | ∅ | xờ | i | ∅ | |
Tên tiếng Việt | nờ | o | ô | ơ | pờ | quờ/cu | rờ | sờ | tờ | u | ư | vờ | ∅ | xờ | i dài | ∅ | |
Tên mượn | (e-)nờ | o | ∅ | ∅ | pê | quy | rờ | ét-xờ | tê | u | ∅ | vê | đáp-liu | ích-xờ | i | dét |
Mặc dù một số bài viết không nhắc đến phụ âm R, nhưng trong một số tài liệu liên quan đến sách CGD có nói rằng cả ba chữ D, GI và R đều đánh vần là /dờ/, nên cho cả R vào phần này luôn.
Nói thật, là trước khi học ngữ âm - âm vị học, tôi cũng giống nhiều người trong các bạn, đinh ninh rằng phụ âm GI là "dờ nặng", còn phụ âm R thì phải "rung", một phần vì tôi từng sống trong miền Nam khi còn nhỏ. Tiếng miền Nam có sự phân biệt khá rõ ba phụ âm D ([j]), GI ([z]) và R ([ʐ, ɹ, ɾ, hoặc r]). Nhưng tiếng Việt chúng ta lấy giọng miền Bắc (cụ thể là Hà Nội) làm chuẩn phổ thông nên khi dạy cũng sẽ dùng các nghiên cứu về giọng Hà Nội để làm cơ sở lý thuyết (tương tự như Trung Quốc dùng giọng Bắc Kinh hay Anh Quốc dùng giọng London vậy).
Theo giọng Hà Nội, cả ba phụ âm đều được phát âm là [z]. Theo lý luận như phần trên thì có thể thấy việc dạy trẻ đánh vần cả ba phụ âm là /dờ/ đúng về mặt âm vị học. Tuy nhiên một vấn đề đặt ra đấy là phân biệt chính tả. Nếu như ba âm C, K, Q có thể phân biệt dễ dàng vì có nguyên tắc khi viết, thì ba âm D, GI và R lại rất dễ nhầm lẫn vì phát âm giống nhau, ví dụ rẻ rách (đúng phải là giẻ rách) và dành/giành là hai cặp từ thường xuyên bị sai chính tả. Trong cách đánh vần mới này tôi không thấy có cải thiện gì so với cách đánh vần cũ (dờ, di, rờ), thậm chí có thể khiến trẻ sai chính tả nhiều hơn.
Tuy nhiên về mặt phương pháp thì phải đồng nhất, nên nếu đã đánh vần theo âm vị học thì cần phải thống nhất theo âm vị học. Phương pháp này vẫn có lợi ở mặt đơn giản hóa số lượng âm mà trẻ phải nhớ, còn vấn đề chính tả thì có thể bổ sung sau này trong quá trình sử dụng ngôn ngữ của trẻ. (Thực tế là tôi thấy học theo phương pháp cũ thì cũng vẫn sai chính tả đầy rẫy. Việc học chính tả có lẽ là phụ thuộc vào mức độ chú ý của người học trong việc sử dụng ngôn ngữ hàng ngày chứ không phụ thuộc nhiều vào cách đánh vần.)
Đây có lẽ là phần đáng ra phải chú ý nhất nhưng dường như cộng đồng bị lóa mắt bởi hai trường hợp trên nên không nhận ra một số điểm chưa hợp lý trong cách đánh vần đồng nhất 4 âm thành /ia/ này.
Trước tiên xin phân tích hai âm IA và IÊ (YA và YÊ nếu có âm phụ U đi kèm). Hai âm này đều có cùng cách phát âm là I + Ê ([iə̯]). Kết hợp hai âm I và A sẽ tạo ra âm gần giống "ya", và khi đi cùng phụ âm cuối N sẽ tạo ra âm gần giống "iæn" (ai học tiếng Trung chắc sẽ hiểu phần này). Vì thế yêu cầu trẻ đánh vần "iên", "yêu" hay "bia" là /ia/ có lẽ là chưa chính xác.
Tương tự thế, âm UA và UÔ đều có cùng cách phát âm là U + Ô ([uə̯]). Kết hợp hai âm U và A sẽ tạo ra âm gần giống "oa/wa", nên trong từ các "quả", "quan" người ta mới dùng chữ (Q)U chứ không dùng chữ (C)O để ghi âm. Vì thế yêu cầu trẻ đánh vần "chua", "muốn", "cuốn" là /ua/ có lẽ cũng chưa chính xác.
Phân tích như trên, cặp âm ƯA và ƯƠ cũng nên đánh vần là /ươ/ ([ɨə̯]) thay vì /ưa/.
Có thể thấy ở phần này người biên soạn đã gặp phải một vấn đề khá khó khăn, đấy là cách ghi âm khá lộn xộn của tiếng Việt, và cuối cùng đã chọn âm A làm âm chính để đánh vần các âm khác vì A là nguyên âm phổ biến nhất. Có lẽ chính người biên soạn đã nhầm lẫn giữa "âm" và "chữ" ở phần này, vì chữ A được dùng để ghi rất nhiều nguyên âm đôi khác nhau, nhưng trong các nguyên âm đôi ấy lại không phải là âm /a/ mà là các âm /ê/, /ô/ và /ơ/.
Tóm lại, phần đánh vần của chương trình này hơi nửa vời khi lúc đánh vần theo ngữ âm âm vị học, khi lại đánh vần theo chữ cái. Phần này có lẽ cần nghiên cứu kỹ hơn.
Vấn đề thực sự đáng quan ngại khi nói về cuốn sách này, đó là việc lựa chọn ví dụ từ ngữ để minh họa cho các chữ và âm được học. Tuy nhiên thì dù việc lựa chọn từ ngữ có phần sai lệch và thiếu sót, nhưng cũng chính từ cuốn sách này mà tôi phát hiện ra là vốn từ vựng tiếng Việt của người Việt đang sụt giảm một cách trầm trọng.
Không biết là khi phát hành sách, đội ngũ biên soạn sách có duyệt lại nội dung không, nhưng nhiều từ ngữ phản cảm hoặc không phù hợp với lứa tuổi được đưa vào dạy các em. Phần này đã được bàn rất nhiều (xem tại đây), nên xin không đưa ra những điểm được đánh giá là chưa phù hợp. Dưới đây là quan điểm "bênh" một số vấn đề mà có lẽ người lớn đã làm quá lên trong việc này.
Phần sách dạy âm "am" và "ap", sách CGD đã đưa ví dụ "sàm sỡ / xàm xỡ" để minh họa. Đúng là ví dụ này rất không phù hợp, nhưng đó là ở bản sách cũ 2016. Bản sách mới đã đổi thành ví dụ khác phù hợp hơn.[4]
Bài đọc trong hình dưới là về quả bứa. Nói thật là đại đa số người đọc chắc không biết quả bứa là quả gì, nhưng đọc phần nội dung thì có thể nhận ra nét tương đồng với câu chuyện về con cáo chia bánh. Nội dung thì có tính giáo dục cao, nhưng nếu thay quả bứa bằng quả dừa hay quả dưa thì có lẽ sẽ gần gũi và dễ hiểu hơn cho trẻ. Có người lại bàn luận rằng không nên dạy trẻ các đại từ như mày và tao vì chúng thiếu lịch sự (thô tục). Thế hàng ngày không biết các cháu gọi nhau như thế nào, ông tôi hay cậu tớ, nhưng từ bé bạn tôi đã nói với tôi như thế này: "Gọi mày tao đi cho thân, gọi ông tôi ngại miệng lắm" (thực ra nó nói khác cơ, nhưng "thô tục" quá không cho lên đây được). Mày tao không xấu, vì nó là đại từ phổ biến nhất trong giao tiếp giữa bạn bè với nhau (mày tao chí tớ). Huống hồ nhiều khi các bậc phụ huynh cũng xưng hô mày tao với con trẻ, chứ đừng nói là ra gặp người lạ ngoài đường. Nói mày tao thô tục là đổ oan cho cả mày lẫn tao đấy.
Một loạt các ví dụ khác được đưa ra về các từ không có trong từ điển tiếng Việt phổ thông như ghe ngo, lúy túy / xúy xóa, kèm theo đó là các từ ít gặp như con ngóe, quả quéo, chim yểng, thờn bơn, chằn chặn cũng được lôi ra hoạnh họe. Thực sự đọc những lời phàn nàn đấy tôi chỉ biết cảm thán là sao giờ vốn tiếng Việt của chính người Việt lại nghèo nàn đến thế?
Ghe ngo là một loại ghe/thuyền của người Khmer, ti vi năm nào cũng đưa tin về giải đua ghe ngo ở Sóc Trăng nhân dịp lễ hội Oóc Om Bóc. Thậm chí còn được đưa vào sách Tiếng Việt lớp 3. Không hiểu ai đó trước khi hoạnh họe có còn nhớ mình đã từng học?
Túy lúy / xúy xóa là hai từ khá phổ biến. Từ túy lúy thì có thể không phù hợp, nhưng từ xúy xóa mang nghĩa là "bỏ qua, coi như không việc gì" mà lại không biết thì hơi khó hiểu.
Con ngóe chính là con nhái, thường gặp trong câu "giết người như ngóe". Từ này thì có thể ít dùng, nhưng câu thành ngữ kia chẳng nhẽ chưa nghe?
Quả quéo là quả họ xoài, trồng nhiều ở miền Trung và miền Nam, nhưng cũng rất phổ biến ở miền Bắc. Nếu bạn không biết quả quéo là quả gì thì hãy trách bố mẹ bạn tại sao không cho bạn ăn nhé. Nhân tiện không biết quả quéo thì chắc cũng không biết quả mắc cọp đâu nhỉ?
Chim yểng là một từ phải xếp vào hạng "classic" trong tiếng Việt, vì chưa có một quyển sách tiếng Việt lớp 1 nào lại không lấy từ này ra làm ví dụ minh họa cho vần "iêng". Còn nhớ hay không thì là tại người học.
Thờn bơn là một loài cá cùng họ "classic" với chim yểng, vì sách tiếng Việt lớp 1 nào cũng ít nhất nhắc đến một lần. Chưa kể vì đặc điểm sinh học kỳ lạ của chúng mà cá thờn bơn xuất hiện rất nhiều trong các sách báo, câu đố và trong cả truyện cổ tích. Mặc dù bản thân chưa được thấy tận mắt con cá thờn bơn bao giờ nhưng từ bé đã biết nó trông như thế nào rồi.
Rất nhiều người tỏ ra quan ngại sâu sắc vì những bài đọc vô nghĩa trong sách, hoặc những bài đọc mà người ta tưởng là dạy dỗ con trẻ những điều không tốt. Thực ra thì việc sử dụng những bài vô nghĩa để dạy trẻ là điều hoàn toàn bình thường trong giáo dục, tiếng Anh tiếng Tàu có đầy. Còn những bài mà người ta tưởng là không tốt ấy, đa phần đều là những bài ngụ ngôn trẻ con đọc là hiểu, còn người lớn thì hoặc do sống lâu bị "tiêu cực hóa", hoặc do nhận thức có vấn đề, mới hiểu theo nghĩa xấu thôi.
Thử so sánh một bài đọc vần tiếng Việt 1 với một bài đọc vần tiếng Anh xem có khác biệt gì về mặt ngữ nghĩa:
Chắc các bạn cũng nhận ra là hai bài đọc này đều hoàn toàn vô nghĩa. Việc sử dụng những bài đọc kiểu này chỉ phục vụ một mục đích duy nhất là để trẻ luyện tập cách phát âm, ngoài ra không có gì hơn, vì trong giai đoạn chưa thuộc mặt chữ thì đừng hi vọng trẻ có thể đọc hiểu ý nghĩa sâu xa của bài.
Tất cả các bài đọc khác được đưa ra trong sách Tiếng Việt 1 CGD đều nhằm phục vụ mục đích chính là như vậy. Ngoài ra các bài đọc trong tập 2 của sách có thể mang một số ý nghĩa ngụ ngôn nhưng không đi sâu vào phân tích, trẻ chỉ hiểu ý nghĩa bề mặt và những gì cô dạy chứ không tự biên tự diễn ra được ý nghĩa như người lớn. Một câu chuyện, nhiều cách hiểu, đấy là lý do tại sao lại cần có giáo viên để hướng dẫn cho trẻ hiểu theo đúng ý nghĩa.
Câu chuyện quả bứa ở trên dạy trẻ rằng không nên tranh giành mà nên chia sẻ, vì nếu không sẽ mất cả không ai được gì. Còn người lớn thì chăm chăm nhìn vào hành động tiêu cực của người cậu.
Câu chuyện Vẽ gì khó dưới đây phê phán con mắt hay chê bai của mọi người, luôn không vừa ý khi nhìn nhận tác phẩm của người khác. Người lớn thì lại nghĩ rằng câu chuyện dạy con trẻ cách ngại khó, ngại khổ.
Lại nhớ về câu chuyện ngụ ngôn cổ tích Trí khôn của ta đây rầm rộ mấy năm trước. Trong khi các cháu đọc truyện chỉ bật cười về sự ngây ngô của con hổ và sự láu cá của anh nông dân, thì người lớn lại đặt ra vấn đề về sự bạo lực. Tôi chưa thấy cháu bé nào đọc câu chuyện đấy rồi mang chó mèo nhà mình ra đốt, vì chúng thừa biết là không tốt. Nhưng tôi đã từng thấy bọn trẻ con cầm chó mèo ném từ trên tầng xuống, đánh đập trêu chọc chó mèo ngay trước mắt cha mẹ mà không thấy nhắc nhở gì. Một câu chuyện không làm nên nhân cách con người, mà chính là sự giáo dục của bố mẹ mới khiến trẻ con bạo lực, hư hỏng. (Xem thêm: cách bố mẹ phản ứng khi con học theo chương trình mà họ không hiểu)
Thực sự người ta vẫn ví trẻ em như tờ giấy trắng, và người tô vẽ nên tờ giấy đó là người sẽ định hình nhân cách của trẻ. Và trách nhiệm đó thuộc về cả phụ huynh lẫn giáo viên. Cá nhân tôi thì tin rằng, với những gì được đào tạo bài bản, giáo viên đang thực hiện tốt hơn rất nhiều các bậc phụ huynh trong việc định hướng cho trẻ một cách tích cực. Đến trường là trẻ sẽ được học những điều hay ý đẹp chứ không phải học những thứ tiêu cực mà các ông bố bà mẹ lo lắng nghĩ ra đâu.
Mặc dù chương trình học theo bộ sách CGD còn nhiều bất cập, nhưng không thể phủ nhận nỗ lực cải tiến để việc dạy và học được phát triển theo hướng tốt hơn của GS. Hồ Ngọc Đại và tập thể nghiên cứu. Chắc chắn là chương trình CGD sẽ còn tiếp tục được sửa đổi bổ sung trong tương lai nếu như lần này nó không bị dìm đến bất đắc kỳ tử bởi tập thể mạng xã hội, truyền thông láo, và phụ huynh bảo thủ. Với cái gánh nặng tâm lý "ngày xưa không thế, tại sao phải đổi", không biết bao giờ Việt Nam mới "sánh vai với các cường quốc năm châu" được. Có lẽ giáo dục Việt Nam phải mạnh tay như giáo dục Hoa Kỳ, đổi là phải đổi, đổi nhanh gọn, đổi dứt khoát thì may ra mới không bị cả xã hội xông ra cản đường. (42 bang trên tổng số 50 bang của Hoa Kỳ chuyển toàn bộ hệ thống giáo dục sang chương trình Common Core chỉ trong 4 năm 2010-2014, [5] 19 bang chuyển sang chương trình Next Generation Science Standards cũng chỉ trong 4 năm 2013-2017.[6])
No translation avaiable. Yet.